TIN TUC GO CONG

,

,

Tìm kiếm

Breaking News

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Nét đặc trưng trong món hủ tiếu Gò Công

By on 07:30
Khi nhắc đến món hủ tiếu, người sành ăn sẽ nghĩ ngay đến món hủ tiếu của người Hoa du nhập vào vùng đất phương Nam từ mấy trăm năm trước. Kế đến là món hủ tiếu Nam Vang (nguồn gốc từ Campuchia), hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang) hay hủ tiếu Sa Đéc (Đồng Tháp). Gần hơn là món hủ tiếu gõ được bày bán trong từng con hẽm vào mỗi chiều tối với giá bình dân, phục vụ những người lao động.
Món ăn kích thích vị giác bởi mùi thơm đặc trưng cùng vị ngọt đậm đà từ nước lèo nấu từ xương và các loại hải sản.
Món ăn kích thích vị giác bởi mùi thơm đặc trưng cùng vị ngọt đậm đà từ nước lèo nấu từ xương và các loại hải sản.
Xứ Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang (cách Sài Gòn khoảng vài chục km) là nơi nổi tiếng với khá nhiều món ăn ngon mà khi nhắc đến ai cũng biết, như mắm còng xứ rẫy Gò Công, mắm tôm chà của đất Gò Công. Sẽ là một thiếu sót lớn nếu như bạn đã tới Gò Công mà quên nếm thử một tô bún suông. Cái suông trong tô bún chỉ toàn tôm là tôm, rất dai vì tôm được quết kỹ. Nước dùng ngọt lìm lịm, đỏ ối gạch tôm, trôi vào đến đâu biết ngay đến đó. Ngoài ra, xứ sở này còn có món hủ tiếu khá đặc trưng, mang đậm đà khẩu vị miền Tây. Món hủ tiếu ở xứ sở này khác so với các loại hủ tiếu khác ở chỗ cọng hủ tiếu rất trong, dai và mềm mại. Điểm khác biệt kế tiếp là ngoài nước dùng được hầm từ xương thịt như các loại bình thường còn có thêm tôm và mực, cho nước dùng rất trong, ngon và ngọt tự nhiên hơn.
Tô hủ tiếudậy lên mùi thơm ngon đậm đà.
Tô hủ tiếudậy lên mùi thơm ngon đậm đà.
Ngoài các loại rau sống như hẹ, giá, xà lách ăn kèm. Thú vị hơn, món hủ tiếu Gò Công còn có thêm  đồ chua củ cải trắng ngâm ớt. Chính món ăn kèm thêm này đã làm nên phong cách lạ và độc đáo cho món hủ tiếu đậm chất miền Tây.
Advertisement
Các món ăn của người miền Tây hầu hết được nêm nếm có vị ngọt đậm đà vốn có. Nếu chưa quen với khẩu vị này, khi ăn, bạn có thể vắt chút chanh, nước tương để tô hủ tiếu sẽ có vị dẽ ăn theo đúng nhu cầu của bạn.
4-3217-1427169338.jpg
Củ cải trắng ngâm chua ăn kèm món hủ tiếu Gò Công sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm thú vị.
Món hủ tiếu này với các nguyên liệu đơn giản và dễ tìm, dễ chế biến tại nhà vào mỗi dịp cuối tuần. Tuy nhiên nếu không có thời gian, bạn vẫn có thể ghé những quán hủ tiếu Gò Công trên đường Hoàng Hoa Thám (Bình Thạnh) hoặc Thành Thái (quận 10) TP HCM để thưởng thức.

xây dựng cầu Rạch Miễu 2 bằng vốn ODA Hàn Quốc hơn 4.126 tỷ đồng ( tin tức )

By on 06:55
xây dựng cầu Rạch Miễu 2 bằng vốn ODA Hàn Quốc hơn 4.126 tỷ đồng ( tin tức )
Theo ông Nguyễn Chung Khánh trên tuyến Quốc lộ 60 có chiều dài 116km nhưng đã có 3 trạm thu giá BOT (2 trạm đang hoạt động, 1 dự án đang triển khai) nếu tiếp tục đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 bằng hình thức thu phí thì mật độ các trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 60 sẽ dày đặc. Chính vì thế, Ban 7 đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải đầu tư bằng vốn vay ODA.

Theo đề xuất của Ban 7, Dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 kết nối Tiền Giang và Bến Tre gồm: 2 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 bao gồm phần đường dẫn Tiền Giang và cầu Rạch Miễu 2 (đoạn 1, đoạn 2). Tổng vốn đầu tư khoảng hơn 4.126 tỷ đồng. Trong đó vốn vay ODA Hàn Quốc là hơn 3.311 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng Nhà nước.
Dự án thành phần 2 từ cuối đoạn 2 đến Quốc lộ 60 gần cầu Hàm Luông với chiều dài gần 9km được xây dựng mới với 4 làn xe có chiều rộng 17m. Tổng mức đầu tư khoảng 1.417 tỷ đồng, nguồn vốn đề xuất đầu tư theo hình thức BOT.
Cũng liên quan đến việc xây dựng cầu Rạch Miễu 2 vào tháng 11-2017, UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép tìm nguồn vốn ODA hoặc các nguồn vốn vay ưu đãi khác do khó khăn trong việc kêu gọi Nhà đầu tư theo hình thức PPP. Trong khi đó, UBND tỉnh Tiền Giang không có ý kiến về hình thức đầu tư.
Theo baogiaothong.vn

Thứ Hai, 12 tháng 2, 2018

Nam Phương hoàng hậu: Cuối cùng còn lại là tình yêu

By on 11:20
Vào buổi chiều tối ngày 15/9/1963, tại lâu đài Domain de la Perche, thuộc làng Chabrignac, vùng Trung Tây nước Pháp, Nam Phương hoàng hậu lặng lẽ qua đời. Năm ấy bà mới 49 tuổi.
Lúc bà mất, bên cạnh không có một người thân thiết nào, ngoài hai phụ nữ giúp việc. Căn bệnh tim mạn tính, thêm với trận cảm nắng tưởng chừng xoàng xĩnh, nhưng khiến bà không chống đỡ nổi trong khi chờ bác sĩ tới. Một cái chết ít ai ngờ tới, hay đó chính là định mệnh của vị hoàng hậu cuối cùng triều Nguyễn, cũng là hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam. Một cuộc đời tưởng chừng thanh nhàn, êm ấm, nhưng cũng không ít sóng gió, hắt hiu và ra đi trong cô độc.
Nam Phuong hoang hau: Cuoi cung con lai la tinh yeu hinh anh 1
Nam Phương hoàng hậu.
Nam Phương hoàng hậu là thứ nữ của ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình, tức là cháu ngoại của đại phú hào Lê Phát Đạt, tục gọi là ông Huyện Sỹ. Theo tục lấy tên cha, bà có tên là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào, và tên thánh là Marie-Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan.
Tuy sinh ra ở Gò Công (Tiền Giang), nhưng hai chị em bà được gia đình cho lên Sài Gòn ăn học, sống trong căn biệt thự sang trọng trên đường Nguyễn Du, nơi cách nhà thờ Huyện Sỹ chỉ vài phút đi bộ. Gọi là nhà thờ Huyện Sỹ vì nhà thờ này được ông ngoại của Nam Phương hoàng hậu hiến tặng rất nhiều tiền để xây dựng. Nay nhà thờ này vẫn còn. Và là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng của Sài Gòn hôm nay.
Thuở nhỏ ở Gò Công, rồi cùng chị lên Sài Gòn ăn học, Nguyễn Hữu Thị Lan lúc nào cũng là một người thiếu nữ đằm thắm, ngoan hiền. Có thể nói cả thời trẻ cô chăm chú chuyện học hành. Năm 12 tuổi thì được gia đình gửi sang Pháp học trường nữ sinh danh tiếng Couvent des Oiseaux (Paris). Tháng 9/1932, sau khi thi đậu tú tài toàn phần, Nguyễn Hữu Thị Lan về nước trên con tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime.
Có tài liệu nói vua Bảo Đại cũng đi trên chuyến tàu đó, rồi tình cờ hai người gặp nhau. Nhưng cũng có nguồn tin cho rằng thực ra hai người đã biết nhau từ ngày còn học bên Pháp, chuyến trở về là một cơ duyên để thêm gắn kết, thắm tình. Cũng có nguồn tin cho rằng hai người gặp nhau tại Đà Lạt trong một dạ tiệc tại khách sạn La Palace do Toàn quyền Đông Dương tổ chức.
Không rõ sương mù Đà Lạt hay sương mù ký ức đã phủ lên cuộc tình của họ, chỉ biết rằng họ từng là những kẻ yêu trước khi thành chồng vợ.  
Đọc cuốn Nam Phương hoàng hậu cuối cùng của Lý Nhân Phan Thứ Lang mới được phát hành, chúng ta cũng có thể thấy được rằng, vào thời ấy, những câu chuyện tình yêu của những người nổi tiếng, không phải lúc nào cũng ồn ào một cách chủ ý. Đặc biệt là với nữ giới.
Chậm rãi giữa những trang sách, chúng ta dễ nhận thấy “tâm trạng khi yêu” của Bảo Đại, còn về phía Nguyễn Hữu Thị Lan, chỉ có thể thấy những đường nét mờ ảo, ẩn khuất. Dường như, chưa bao giờ bà Nam Phương nói rõ tình yêu của mình với Bảo Đại, mà qua những ý tứ hé mở, chúng ta thấy đấy như là một định mệnh. Như chính lời bà nói, về sau này: “Việc này là do Chúa định, tôi biết làm sao được” (!)
Việc này, tức là việc bà đồng ý làm vợ vua Bảo Đại, khi hai người khác đạo, khi vị vua trẻ nổi tiếng là ham chơi và đào hoa. Và, mặc cho những ngăn cản, định kiến từ gia đình nhà trai, một đám cưới theo nghi thức mới cũng được cử hành vào ngày 20/3/1934 tại Điện Dưỡng Tâm (Tử Cấm Thành – Huế).
Năm đó, Bảo Đại 21 tuổi, còn Nguyễn Hữu Thị Lan vừa 20 tuổi. Theo Lý Nhân Phan Thứ Lang thì những nguồn tin cũng như những tài liệu mà ông nắm được, cho biết Nguyễn Hữu Thị Lan đã chủ động đặt những thỏa thuận, mà chưa từng có trong cung đình.
Thứ nhất là giải tán tam cung lục viện, không còn chuyện năm thê bảy thiếp nữa. Thứ hai, hoàng đế phải tấn phong hoàng hậu sau khi cưới, chứ không phải được phong sau khi hoàng đế qua đời như xưa cũ. Thứ ba, con trai sinh ra phải được phong là thái tử. Đó là những thay đổi theo tinh thần văn minh, là ý thức mới của một người Tây học.
Tuy nhiên, có thể thấy việc tấn phong hoàng hậu, trước hết là tâm nguyện của Bảo Đại. Lúc này, ông còn rất yêu vợ và muốn làm một việc “chưa từng có trong triều đình”. Nam Phương hoàng hậu, tức “Hương thơm miền Nam” là danh hiệu mà Bảo Đại dành tặng cho người vợ của mình với biết bao cảm xúc thương yêu, tôn trọng.
Tuy đã dẹp bỏ “tam cung lục viện”, không còn cảnh “năm thê bảy thiếp”, nhưng Bảo Đại vẫn “thói đa tình”, sểnh ra khỏi nhà là có tình nhân.
Nam Phuong hoang hau: Cuoi cung con lai la tinh yeu hinh anh 2
Bảo Đại là vị vua nổi tiếng đào hoa.
Cuộc tình công khai và nổi tiếng nhất của Bảo Đại sau khi có với Nam Phương hoàng hậu mấy mặt con, là cuộc tình với vũ nữ Lý Lệ Hà. Đây là thời gian mà Bảo Đại được mời ra Hà Nội trong vai trò Cố vấn tối cao của Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Đọc Nam Phương hoàng hậu cuối cùng, chúng ta thấy được những cảm xúc rất thật của một người phụ nữ khi biết chồng mình ngoại tình. Chúng ta như run rẩy theo những cảm xúc của bà. Và, chúng ta thấy thương yêu, kính trọng bà nhiều hơn, khi đọc những dòng bà viết cho “tình địch”: “Em Lý Lệ Hà thân quý! Chị ở xa đức cựu hoàng mấy dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng chăm sóc cựu hoàng ở Hồng Kông. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị, Nam Phương”.
Nội dung bức thư được cho là viết vào tháng 3/1946 khi Bảo Đại sang Trung Quốc rồi sang Hong Kong cùng Lý Lệ Hà. “Chị trọn kiếp nhớ ơn em”, có lẽ cũng là trọn kiếp không quên chuyện này (!)
Nam Phuong hoang hau: Cuoi cung con lai la tinh yeu hinh anh 3
Bà Nam Phương cùng các con khi mới sang Pháp.
Nam Phương hoàng hậu cuối cùng, là điều mà Nam Phương có nghĩ tới chăng? Có lẽ là bà chưa từng nghĩ đến. Đầu tiên hay là cuối cùng thì bà cũng chỉ có một người yêu, một người chồng là ông Vĩnh Thụy, tức Bảo Đại.
Là một hoàng hậu, bà từng nghĩ là do Chúa định. Là một người vợ, sau Cách mạng tháng Tám, bà từng định ra Hà Nội cùng chồng, nhưng rồi ngại chính phủ lo phiền, ngại chồng bị gò bó, bà cam chịu một mình cùng các con ở cung An Định. Là một người từng đứng giữa ngã ba đường, bà vẫn một lòng lo lắng cho con, nghĩ tới tương lai của chúng. Là những tháng ngày cô độc ở nước Pháp, mà vẫn giữ hình ảnh đẹp với một tinh thần sống đẹp.
Hình ảnh của Nam Phương hoàng hậu, thật đúng với tinh thần câu thơ mà thi sĩ Tản Đà đã phóng bút tặng bà vào năm 1938.
“Cung duy mẫu đức nghi thiên hạ
Lạc đồ tiên nhân giáng tự trần”
(Đức độ của quốc mẫu thực xứng đáng làm gương cho thiên hạ
Vui mừng được thấy tiên đã giáng xuống cõi trần)
Như thế đó, Nam Phương hoàng hậu, qua hết thảy những đắng cay, cuối cùng còn lại là cái đẹp và tình yêu chân thành.

Dè chừng tôm khô, cá khô tẩm hóa chất

By on 11:17
Hàng khô thủy sản (tôm, cá) thường được người tiêu dùng dự trữ để sử dụng trong ba ngày tết do vắng chợ, trong đó không ít loại giá rẻ, bình dân đều chống mốc và kiến do được tẩm hóa chất và phẩm màu.


ôm khô trên thị trường hầu hết không rõ nguồn gốc, xuất xứ có rất nhiều giá khác nhau, chênh lệch lên đến 500 ngàn đồng/kg
Tôm khô là mặt hàng đang bán chạy nhất trong những ngày cận tết nhưng trên thị trường có rất nhiều giá nhưng không rõ nguồn gốc do hầu hết đều chứa trong bao xá (bao bì không ghi xuất xứ hàng hóa),  loại 1 bình quân là 1.000.000 đồng/kg được người bán quảng cáo là tôm đất, tôm bạc sống ở biển tự nhiên hoàn toàn không tẩm hóa chất và phẩm màu. Sau đó, loại 2, 3 có giá từ 500 ngàn trở xuống và thấp nhất là 250-300 ngàn/kg, tức chênh lệch lên đến trên 500 ngàn đồng/kg, mà người bán gọi đó là tôm khô “nát” có tẩm phẩm màu.
Ngoài tôm khô, gần đây xuất hiện loại khô cá dứa bán khá chạy cũng có 2-3 giá khác nhau, được người bán chào mời hết sức đon đả. Khô cá dứa loại xịn (sống ở biển tự nhiên) giá từ 500.000 đồng/kg trở lên, nhưng loại thường (không rõ nguồn gốc) có giá tầm khoảng 100.000 đồng.
Bà Liên, tiểu thương chuyên bán khô ở chợ Thủ Đức, TP. HCM giới thiệu khô cá dứa ở sạp của bà có thịt trắng, ướp nhạt, đặc biệt ít mỡ nên ăn rất ngon.
“Hiện nay khô cá tra không còn hấp dẫn người dùng, trong khi mặt hàng này khá nhiều nên để bán được hàng, một vài người dù đang bán khô cá tra (khoảng 80-90 ngàn đồng/kg) nhưng kêu thành khô cá dứa để bán giá cao hơn, từ 100 ngàn đồng trở lên.
Bà Lê Thị Thương, một tiểu thương chuyên bỏ mối hàng khô ở cảng Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang tiết lộ, trước đây nếu muốn làm khô, người ta thường ướp với muối, đường, bột ngọt chừng vài ngày cho thấm; sau đó vớt ra ướp trong thùng nước đá cả ngày để khi phơi thì cá, tôm nhìn trong vắt.
“Tuy nhiên, sau này không ai làm như vậy vì vừa tốn công mà bảo quản cũng không được lâu. Theo đó, thông thường con cá, tôm khi bắt dưới biển lên phải chờ cả tuần mới về đất liền. Vì vậy khi ghe cập bến, cá còn tươi sẽ được phân loại xẻ thịt ngay tại bãi biển. Sau đó, tùy từng đối tượng mà cá sẽ được rửa bằng thuốc tẩy giun (dùng trong thú y - PV) để khi cá khô ruồi không bâu (bu) vào; còn tôm trong khi luộc cũng sẽ được pha phẩm màu đỏ trước khi đem phơi khô để sau này tôm có màu đẹp và giữ được lâu, bởi tất cả khô chỉ được sấy trong lò hoặc phơi ngoài bãi cát chừng 2 nắng”, bà Thương chia sẻ.

Một hộ sản xuất tôm khô phơi tôm có tẩm phẩm màu ở xã Vàng Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang
TS Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết màu sử dụng trong chế biến thực phẩm nhằm cải thiện màu sắc và tăng tính hấp dẫn. Tuy nhiên, màu chỉ là chất tăng tính cảm quan và hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng, trong khi màu tự nhiên không được ưa chuộng trong chế biến thực phẩm vì khó tan trong nước và không bền, dễ bị phai hoặc biến màu.
Theo TS Đồng, hiện nay màu sử dụng trong chế biến thực phẩm gồm hai nhóm chính: Màu tự nhiên và màu tổng hợp (còn gọi là phẩm màu). Màu tự nhiên được trích xuất từ các bộ phận của lá, hoa, củ, hạt… hoặc từ côn trùng và không độc hại. Màu tổng hợp là các hợp chất được tạo thành thông qua phản ứng hóa học. Màu tổng hợp đẹp, bền, giá rẻ nên được ưa chuộng trong chế biến thực phẩm. Thế nhưng, màu tổng hợp chỉ an toàn khi sử dụng trong giới hạn cho phép.
Cũng theo TS Đồng, thực tế cho thấy không ít màu tổng hợp kinh doanh trên địa bàn TP.HCM không có xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh đó, vẫn còn cơ sở sử dụng màu công nghiệp để chế biến thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng”.
Hội thảo khoa học “Phẩm màu trong thực phẩm” do Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM tổ chức vừa qua, BS Huỳnh Văn Tú, khoa Dinh dưỡng - Vệ sinh ATTP - Viện Y tế công cộng TP.HCM (Bộ Y tế), cho rằng sử dụng tùy tiện màu tổng hợp trong chế biến thực phẩm có nguy cơ sinh ung thư, độc tính thần kinh. Có thể gây phản ứng dị ứng quá mức và là khởi phát chứng hiếu động thái quá và thay đổi hành vi ở trẻ em.V

Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Thực trạng và giải pháp phát triển ngành cơ khí tỉnh Tiền Giang

By on 05:14
Tỉnh Tiền Giang đang có một số nhà máy cơ khí phát triển, cụ thể: Công ty Cổ phần Sản xuất Ống thép Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng, Công ty TNHH Công nghiệp chính xác JL, Công ty TNHH Sản xuất máy và thiết bị công nghiệp Thái Hòa,...Bình quân giai đoạn 1996 – 2000 ngành chế tạo máy, điện tử và gia công kim loại đạt tốc độ tăng trưởng là 16,2%/năm, giai đoạn 2001 – 2005 đạt 11,62%/năm; Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2000 đạt 67,23 tỷ đồng đến năm 2005 là 116,49 tỷ và năm 2008 tăng lên 224,97 tỷ đồng (nguồn: theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020). Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014 theo giá hiện hành đạt 5.785 tỷ đồng (nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Tiền Giang năm 2015).
 
Gia công ống thép tại Công ty Cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam – KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang
Hoạt động chính của ngành này chủ yếu là gia công kim loại bên cạnh còn có một số ngành như đóng mới và sửa chữa xà lan, xáng cạp, trùng – đại tu ô tô, sửa chữa cơ khí, sản xuất các loại thùng suốt lúa, nông cụ cầm tay phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và các sản phẩm phục vụ xây dựng,...

Anh Nguyễn Ngọc Thuận (huyện Chợ Gạo) đang vận hành thử “Máy cuốn rơm tự hành” do anh sáng chế
Cơ khí tỉnh Tiền Giang đóng góp rất quan trọng vào việc phát triển của tỉnh, có vai trò quan trọng quyết định việc phát triển của các ngành kinh tế khác. Do đó, phát triển ngành công nghiệp cơ khí của tỉnh trong thời gian tới cần đặc biệt quan tâm và có chính sách hỗ trợ để làm cơ sở phát triển các ngành khác, các giải pháp có thể xem xét thực hiện như:
1) Xây dựng đề án phát triển ngành cơ khí có định hướng đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 gắn với định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh để có chiến lược phát triển ngành cơ khí lâu dài, bền vững.
2) Điều tra nắm rõ, chi tiết hơn thực trạng ngành cơ khí tỉnh thời gian qua theo từng loại sản phẩm để có cơ sở quy hoạch và xác định ngành cần phát triển trong giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Định hướng phát triển ngành theo thứ tự ưu tiên, ví dụ: cơ khí nông nghiệp; cơ khí giao thông; cơ khí chế biến nông lâm hải sản; cơ khí năng lượng; cơ khí gia dụng,...
3) Xác định giải pháp tập trung đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao chuyên ngành cơ khí để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tỉnh gắn với việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.
4) Rà soát, bổ sung các địa điểm phân bổ ngành cơ khí đảm bảo phù hợp định hướng các cụm công nghiệp chuyên về cơ khí, công nghiệp hỗ trợ.
5) Triển khai sản xuất một số sản phẩm mới có nhu cầu lớn tại địa phương như kết cấu thép cho các nhà máy tiền chế và kết cấu thép phục vụ nuôi trồng thủy sản, thiết bị chế biến nông sản./.
Minh Cảnh – P.QLCN

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Ô tô tông sập tường nhà dân, 3 trẻ em bị thương

By on 08:32
Khoảng 14h30 ngày 28/6, trên quốc lộ 50 đoạn qua xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) xảy ra 1 vụ tai nạn do xe ô tô 7 chỗ gây ra làm 3 bé trai bị thương.
O to tong sap tuong nha dan, 3 tre em bi thuong - Anh 1
Hiện trường vụ tai nạn
Theo những người có mặt tại hiện trường, vào thời điểm trên, ô tô 7 chỗ hiệu Everest mang BKS 51A-381.66 do tài xế Huỳnh Vĩnh Dũng (50 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) điều khiển theo hướng TP Mỹ Tho - TX Gò Công.
Khi đến đoạn thuộc xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, xe tài xế Dũng va chạm vào hai bé trai đang chạy xe đạp theo chiều ngược lại. Chiếc xe tiếp tục lao tới tông trúng một bé trai đang chơi cạnh vỉa hè rồi tông sập tường nhà dân mới chịu dừng lại. Vụ tai nạn làm 3 bé trai bị thương được người dân đưa vào Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang cấp cứu.
Tại hiện trường chiếc xe đạp bị hư hỏng nặng, đầu ô tô bể nát, một phần bức tường của nhà dân đổ sập.
KIỀU TƯỚC NGUYÊN

Ngất ngây với hải sản Gò Công

By on 08:31
Ẩm thực Gò Công nổi trội với những loại hải sản nước lợ thơm ngon, cách chế biến đặc trưng khó cưỡng.
Gò Công một phần giống Pleiku – có nắng có gió, phần tựa xứ Quảng – có biển có sông. Nổi hơn cả lại là nguồn hải sản nước lợ phủ phê và nụ cười đôn hậu.
Không ít người bạn than vãn rằng, về quê bà Từ Dũ không biết tìm ăn ngon ở đâu. Trên thực tế, sản vật vùng này phong phú bởi nơi đây là hợp lưu của nhiều nhánh sông, cửa biển: Vàm Cỏ Đông, Xoài Rạp, cửa Tiểu. Các chuyên gia hải sản trong nước cũng như một số người sành ăn, kiến thức rộng quả quyết: chính chất lượng hệ phiêu sinh nước lợ (nước xà hai) đã làm cho hải sản thơm ngọt lạ.
Thơm lạ nghêu Nam bộ
Đơn cử với con nghêu. Đem luộc thôi, kèm 1 – 2 trái ớt hiểm giã giập khử tanh, mới 5 – 7 phút sau đã nghe thơm lừng mùi sữa bắp nếp.
Có dịp về bãi biển Tân Thành tác nghiệp – cách thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang khoảng 15 km, nếm thịt nghêu tơ, có người buộc miệng khen: "Ồ! Đáng nể thật!"
Thịt nó giòn lẫn ngọt đậm, mập ú, lưỡi trắng phau. Cắn vào 5 – 7 con đủ say! Nếu bạn gặp những con mình hơi ửng hồng (nhạt hơn sò lông) thì càng tuyệt. Bởi chúng đang ôm trứng, thêm vị bùi bùi.
Ngat ngay voi hai san Go Cong - Anh 1
Nhiều người thích chấm với nước mắm chua ngọt. Song tôi khoái chấm cùng muối tiêu "bà đẻ" (phải nướng cho tiêu thơm sực nức và muối cháy vàng – hết mùi tanh), trộn ít ớt bằm ngâm giấm, vắt nửa trái tắc hườm hoặc miếng chanh giấy mọng nước, thoảng mùi vị chua thanh đủ làm khổ sở mấy kèn công phồng má thổi kèn!
Mùa nghêu mập ở đây kéo dài từ sau tết Nguyên Đán đến đầu mùa mưa. Con nào nổi gân hình vòng cung càng rõ trên vỏ thì thịt càng đầy.
Từ năm 2000, nghêu nơi này đã đủ chuẩn xuất sang châu Âu. Trong khi nghêu Bến Tre, Cần Giờ còn chờ xét duyệt về chất lượng.
Nhiều cái lưỡi tinh tế khu vực Nam bộ bình chọn về "thánh địa" nghêu ngon thổn thức như sau: nhất Gò Công, nhì Bến Tre, ba Cần Giờ.
Luộc nghêu hàng cao thủ là không cho nước vào và canh nó vừa hé miệng (nở búp) thôi. Nếu để quá lửa, nó hả toét miệng, thịt teo bớt, dai hơn và mất ngọt.
Bù lại, bạn lắng nước luộc đem nấu tô canh rau tập tàng, sẽ ngọt thơm gấp bội. Nước canh đục màu sữa tươi, thoang thoảng hương vị rong rêu tinh sạch.
Tuy vậy, nghêu đại (loại gần bằng chén nước chấm) như gái nạ dòng – thịt lạt, dai. Lý tưởng nhất là, chọn cỡ 45 – 50 con/kg. Tách ra, nấu món hầm nghệ theo kiểu triều Nguyễn. Mới húp muỗng nước thôi, đã thống sướng vô cùng!
Cần lưu ý thêm về các từ: nghêu "nguội" với "nóng", do dân địa phương thường gọi. Cả hai dạng này ăn đều dở. Do nước thủy triều có ngày không cạn sát nên ngư dân cào bắt nghêu chưa được. Những ngày đó, tiểu thương vẫn trữ nghêu cũ để bán cho du khách; hay vì họ bán ế vài hôm, khiến rổ nghêu ốm hẳn (nguội). Hoặc gặp nghêu mới lên (nóng), miệng còn ngậm ít cát, ăn vào dễ bất mãn.
Ước tính, tổng diện tích bãi nghêu Tân Thành rộng khoảng 1.800 ha, năng suất trung bình khoảng 7.000 – 10.050 tấn/năm, thông tin từ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Nếu suông sẻ, phải mất ba năm ròng, một trứng nghêu cám bằng hạt cát mới lớn thành con nghêu thịt.
Có một chỗ thường bán nghêu ngon, giá vừa phải là quán chị Tẻ bến đò, thuộc ấp Mỹ Xuân, xã Tân Trung, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Nơi đây, cách bến đò Mỹ Lợi khoảng 4 – 5 km, theo trục quốc lộ 50 chạy về chợ Gò Công, rẽ trái vào bờ đê, sát nách con sông Vàm Cỏ. So ra, gần hơn đi bãi biển Tân Thành khoảng 20 km, tính từ hướng TP.HCM xuống.
"Ngư khôi" dứa, úc…
Nhờ ở cạnh bến đò Mỹ Điền, chốn giao thương "quà sông, biển" từ ba phía: Long Hựu, Cần Đước (Long An), Cần Giờ và Gò Công Đông, cho nên chị Tẻ có dịp mua tận gốc nhiều hải sản do ngư dân giăng lưới, đi ghe cào, móc (cua)… bắt được.
Ngat ngay voi hai san Go Cong - Anh 2
"Cá còn lội. Tôm còn búng. Cua còn kẹp. Bạch tuộc còn đeo và nhiều con còn… nhúc nhích"! Ông Nguyễn Văn Ra, nguyên trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã tặng cho quán câu slogan này.
Mặc dù, chủ quán không hề thuê người kẻ bảng, treo những dòng chữ ấn tượng ấy. Thế nhưng, không ít người thuộc khu vực phía Đông Gò Công, đã tự để bụng.
Thỉnh thoảng có cá chìa vôi nặng 10kg/con, cá sửu cỡ 11 – 12kg/con, cá dứa 18kg/con còn bơi lúc lắc…, chị Tẻ bật cái "a lô" báo tin, chừng mười phút sau đã cò vài ba chiếc xe hơi hoặc chục xe tay ga chạy tới chia cá hiếm.
Điểm đặc biệt của quán là không có thực đơn. Chị Tẻ ngưng vớt tôm càng giải thích: "Nguyên liệu của quán tùy theo con nước, theo mùa nên thực đơn tốt nhất là tùy cơ ứng biến."
Anh Tám Nhịn, ở ấp Muôn Nghiệp, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, chủ cơ sở mắm Hoàng Đệ cũng là khách mối ở đây. Dụi điếu thuốc, anh Tám cười hề hề nói: "Mình thích con gì, khúc bụng hay đầu hoặc đuôi, cứ chỉ ngay – họ đều vui vẻ đáp ứng. Bữa nào túi rủng rỉnh tiền thì ăn nguyên ký. Còn lép hơn, tui chơi nửa ký. Hẻo nữa thì vài trăm – gà – ram tôm càng, tôm đất."
Hôm chúng tôi ghé lại, chọn một khứa bụng con cá dứa đã nặng gần cả ký, thả vào nồi cháo với ít nấm rơm bềnh bồng. Khứa cá nằm chật cả dĩa nước mắm y. Mới nhìn thôi đã bị hớp hồn!
Trưa hè yên ắng, nghe rõ tiếng gió sông khua xào xạc trên mấy tàu dừa nước (dừa lá). Cũng có những cơn gió tinh nghịch chạy lon ton vào tận chòi lá, vuốt ve mặt mũi thực khách nghe mát rượi.
Vẫn không bằng hương vị thịt cá dứa tươi ngọt đậm, béo thanh, săn chắc hết chỗ chê. Nâng ly rượu, nghe anh Tám kể về những mảnh đời sông, vừa thú vị vừa bùi ngùi làm sao.
Tốn "trọn gói" 350.000 đồng cho món cháo nhớ đời, cùng bốn người bạn vong niên no cành hông, thêm một bữa hả hê trải lòng!
Còn nhiều con đang lượn lờ hoặc rục rịch, đáng để bạn cất công lặn lội – làm một chuyến điền dã về đây. Mùa này, đang rộ cá úc vàng (úc sào) bụng phệ, cỡ 700g – 1kg/con. Thịt cá ngọt bùi, béo thơm. Đem nấu lẩu trái bần chín (bẻ ngay cạnh bãi sau của quán) hoặc nướng muối ớt – gói kín trong miếng lá chuối non – đều ngon "nhức răng"!
Tuy nhiên, ngư dân khu này thường giăng lưới cá úc theo con nước kém, được 8 ngày trong tháng, từ ngày 11 – 17 và 22 – 26 âm lịch.
Mới hơn là loại ốc cau, cỡ đầu ngón tay cái người lớn, được đánh bắt bằng cách thả "rập đuôi chuột" xuống đáy sông, giống cách ngư dân miền Trung bẫy ghẹ.
Vỏ nó nổi màu xanh non của tàu cau ta, giữa thân bầu bầu hơi giống con chim ốc cao. Phần thịt lưỡi giòn ngọt na ná ốc hương nhưng không thơm bằng, còn đoạn bụng béo bùi. Đem xào với ít nước cốt dừa, búng vào dăm ba lát ớt sừng trâu, trải tiếp một lớp thảm rau răm non mướt hoặc hấp cùng nhiều củ sả tươi đập giập hay xào tỏi đều để thèm về sau.
Theo dulichvietnam.com.vn