Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò và vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Trong thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, ngành cơ khí Việt Nam đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vươn lên, tạo sự chuyển biến bước đầu ở một số lĩnh vực như chế tạo thiết bị cơ khí thủy công, chế tạo dàn khoan dầu khí, thiết bị điện, đóng tàu... Giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí cả nước năm 2013 đạt khoảng 700 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; giá trị xuất khẩu năm 2013 đạt trên 13 tỷ USD, gấp gần 6 lần so với giá trị xuất khẩu năm 2006 (nguồn: theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam). Những kết quả đạt được của ngành cơ khí đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tỉnh Tiền Giang đang có một số nhà máy cơ khí phát triển, cụ thể: Công ty Cổ phần Sản xuất Ống thép Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng, Công ty TNHH Công nghiệp chính xác JL, Công ty TNHH Sản xuất máy và thiết bị công nghiệp Thái Hòa,...Bình quân giai đoạn 1996 – 2000 ngành chế tạo máy, điện tử và gia công kim loại đạt tốc độ tăng trưởng là 16,2%/năm, giai đoạn 2001 – 2005 đạt 11,62%/năm; Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2000 đạt 67,23 tỷ đồng đến năm 2005 là 116,49 tỷ và năm 2008 tăng lên 224,97 tỷ đồng (nguồn: theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020). Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014 theo giá hiện hành đạt 5.785 tỷ đồng (nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Tiền Giang năm 2015).
Gia công ống thép tại Công ty Cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam – KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang
Hoạt động chính của ngành này chủ yếu là gia công kim loại bên cạnh còn có một số ngành như đóng mới và sửa chữa xà lan, xáng cạp, trùng – đại tu ô tô, sửa chữa cơ khí, sản xuất các loại thùng suốt lúa, nông cụ cầm tay phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và các sản phẩm phục vụ xây dựng,...
Anh Nguyễn Ngọc Thuận (huyện Chợ Gạo) đang vận hành thử “Máy cuốn rơm tự hành” do anh sáng chế
Cơ khí tỉnh Tiền Giang đóng góp rất quan trọng vào việc phát triển của tỉnh, có vai trò quan trọng quyết định việc phát triển của các ngành kinh tế khác. Do đó, phát triển ngành công nghiệp cơ khí của tỉnh trong thời gian tới cần đặc biệt quan tâm và có chính sách hỗ trợ để làm cơ sở phát triển các ngành khác, các giải pháp có thể xem xét thực hiện như:
1) Xây dựng đề án phát triển ngành cơ khí có định hướng đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 gắn với định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh để có chiến lược phát triển ngành cơ khí lâu dài, bền vững.
2) Điều tra nắm rõ, chi tiết hơn thực trạng ngành cơ khí tỉnh thời gian qua theo từng loại sản phẩm để có cơ sở quy hoạch và xác định ngành cần phát triển trong giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Định hướng phát triển ngành theo thứ tự ưu tiên, ví dụ: cơ khí nông nghiệp; cơ khí giao thông; cơ khí chế biến nông lâm hải sản; cơ khí năng lượng; cơ khí gia dụng,...
3) Xác định giải pháp tập trung đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao chuyên ngành cơ khí để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tỉnh gắn với việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.
4) Rà soát, bổ sung các địa điểm phân bổ ngành cơ khí đảm bảo phù hợp định hướng các cụm công nghiệp chuyên về cơ khí, công nghiệp hỗ trợ.
5) Triển khai sản xuất một số sản phẩm mới có nhu cầu lớn tại địa phương như kết cấu thép cho các nhà máy tiền chế và kết cấu thép phục vụ nuôi trồng thủy sản, thiết bị chế biến nông sản./.
Minh Cảnh – P.QLCN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét