Liên quan đến vụ án “lạm quyền” này, còn có vị cán bộ công an cao cấp, nguyên Phó phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Nên - người cũng từng tham gia trong chuyên án Năm Cam với nhiều thành tích lập được - nay bỗng phát bệnh… điên, phải đình chỉ điều tra.
Hủy toàn bộ bản án, điều tra lại từ đầu
Ngày 28.10, TAND tối cao tại TPHCM đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Tuyến Dũng (41 tuổi, nguyên trung tá điều tra viên cao cấp cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang) về hành vi “lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.
Theo bản án sơ thẩm ngày 16.7, TAND tỉnh Tiền Giang tuyên phạt Nguyễn Tuyến Dũng 10 năm tù. 12 năm trước, ông Dũng cùng ông Nguyễn Văn Nên (48 tuổi, nguyên Phó Phòng CSĐT Công an Tiền Giang) được Bộ Công an điều động lên TPHCM tham gia chuyên án Năm Cam, trong đó liên quan tới vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra tại Cty Gas Bình Dương do Cty Cổ phần Hưng Thịnh làm chủ đầu tư. Từ nhiệm vụ được giao, ông Dũng và Nên đã lạm quyền, đứng ra giải quyết tranh chấp dân sự giữa vợ chồng Huỳnh Thị Thu và Nguyễn Văn Cư với Cty Hưng Thịnh (do ông Bùi Mạnh Lân làm giám đốc), trong lúc vụ án đang được TAND huyện Dĩ An thụ lý.
Mục đích của việc can thiệp này nhằm giúp vợ chồng bà Thu lấy lại quyền sử dụng thửa đất hơn 2,3 ha. Khi vợ chồng bà Thu nộp trên 5,2 tỉ đồng cho Cty Hưng Thịnh, ông Nên chỉ đạo Dũng thu giữ gửi vào ngân hàng lấy lãi sử dụng từ cuối năm 2003 đến tháng 9.2009 với số tiền trên 1,2 tỉ đồng. Ông Nên là lãnh đạo cơ quan điều tra tỉnh Tiền Giang nhưng lại ký lệnh bắt khẩn cấp ông Lân và 6 người khác về hành vi gây rối trật tự công cộng, xảy ra tại Bình Dương là trái thẩm quyền (tuy nhiên vụ này do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên không xử lý).
Bên cạnh đó, về hành vi lạm quyền trong thi hành công vụ, ông Nên bị khởi tố nhưng sau đó phát bệnh tâm thần nên được tạm đình chỉ điều tra. Sau khi tòa án sơ thẩm tuyên, bị cáo Dũng kháng cáo kêu oan, ông Lân cũng kháng cáo theo hướng “hủy một phần nội dung bản án sơ thẩm để điều tra và làm rõ một số tình tiết có liên quan”.
Cựu trung tá kêu oan
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Tuyến Dũng kêu oan và kháng cáo vì cho rằng bản án sơ thẩm mà cơ quan điều tra Viện kiểm sát chưa làm rõ vai trò của bị cáo trong vụ án. Bị cáo Dũng cho rằng, miếng đất 23.383m2 không liên quan đến vụ án gây rối, nhưng lại đưa vào vụ án là sai. Bị cáo là điều tra viên cao cấp đã làm sai, nhưng nếu có mặt Nguyễn Văn Nên - lãnh đạo cấp cao hơn - thì sẽ phải xem xét lại vì trong vụ án có cái sai của người ra lệnh và cái sai của người thi hành. Tuy nhiên, không phải vì Nên đã vào trại tâm thần mà trút hết tội vào đầu bị cáo. Theo luật Công an Nhân dân, nếu cấp trên sai thì báo cáo vượt cấp. Bị cáo không thể báo cáo vượt cấp được vì Phó thủ trưởng cơ quan điều tra cũng là Chỉ đạo Ban chuyên án. Lúc này, vị Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm ngắt lời bị cáo Dũng: “Ai sai, xử người đó”.
Tại phiên tòa, bị cáo Dũng cho rằng bản thân bị cáo là điều tra viên của Bộ Công an nên phải tuân thủ tuyệt đối sự phân công của lãnh đạo khi được điều động đến làm việc ở Ban chuyên án, cụ thể là chịu sự chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Nên - tổ trưởng Tổ A4 trong chuyên án Năm Cam.
Khi lập biên bản ghi nhận thỏa thuận giữa ông Lân với ông Cư, bà Thu, bị cáo không biết đó là tranh chấp dân sự vì có đơn tố cáo của ông Cư, bà Thu gửi cho Ban chuyên án và qua làm việc với ông Lân thì ông Lân cũng có đơn đề nghị cho gặp ông Cư, bà Thu để giải quyết vụ việc. Bị cáo lập biên bản này là phù hợp. Số tiền ông Cư, bà Thu nộp, bị cáo đã cho vào 4 bao niêm phong gửi vào kho tang vật của Phạm Văn Út. Sau đó chuyển đến kho của Võ Văn Sơn. Đến ngày 15.10.2007, bị cáo đem tiền đến gửi vào Kho bạc Nhà nước Tiền Giang. Sau đó, đến năm 2009, ông Cư và bà Thu nhận lại số tiền trên. Bị cáo không gửi tiền của ông Cư, bà Thu vào ngân hàng.
Bị cáo Dũng cũng kêu oan rằng: “Số tiền mà bị cáo gửi ngân hàng là của bà Đoàn Ngọc Châu nhờ bị cáo mua nhà ở TPHCM. Bị cáo không mua được nên đem tiền gửi vào ngân hàng. Đến năm 2007, bà Châu nhiều lần đòi lại tiền, nên bị cáo rút tiền từ ngân hàng đem ra trả nợ cho bà Châu chưa trả lãi”.
Ngụy biện?
Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử phúc thẩm của TAND tối cao TPHCM, HĐXX cho rằng: Bị cáo Dũng đã thừa nhận, biên bản về việc tự nguyện thỏa thuận giải quyết tranh chấp lô đất 23.383m2 giữa bị can Bùi Mạnh Lân với ông Nguyễn Văn Cư, bà Huỳnh Thị Thu được lập trong trại giam Công an tỉnh Tiền Giang. Trong đó, bị cáo Dũng ký tên với tư cách điều tra viên, ông Nên ký tên với tư cách là Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tiền Giang. Ông Lân ký tên với tư cách là bị can, ông Cư và bà Thu ký tên với tư cách là đương sự (nguyên đơn).
Dù thừa nhận như vậy, nhưng Dũng lại cho rằng khi lập biên bản này không biết đó là tranh chấp dân sự là không đúng. Bởi vì, khi làm việc đối với ông Cư, bà Thu thì cả 2 đều có lời khai là có khởi kiện tại TAND huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, nhưng đã lâu mà tòa án không giải quyết được. Chứng tỏ, bị cáo đã biết đây là tranh chấp dân sự giữa ông Cư, bà Thu với ông Lân nên khi bị cáo lập kế hoạch xác minh số 330 ngày 28.4.2003, là có sự phê duyệt của lãnh đạo thì có đưa ra 9 phần việc phải làm. Trong đó, có phần việc là đến TAND huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương để xác minh. Nhưng bị cáo không thực hiện phần việc quan trọng này. Bản thân bị cáo là điều tra viên cao cấp mà lại nói rằng không biết đây là tranh chấp dân sự là không đúng.
HĐXX tiếp tục lập luận, ngày 7.8.2003, bị cáo Dũng thực hiện biên bản ghi nhận thỏa thuận của ông Lân với ông Cư, bà Thu thì đến ngày 5.9.2003, ông Lân đem Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến nộp và ông Cư, bà Thu nộp 3 lần tiền, bị cáo lại lập biên bản thu giữ vật chứng trong vụ án gây rối trật tự công cộng và ra quyết định xử lý vật chứng. Bị cáo cho rằng không biết việc làm của mình sai là không hợp lý.
Đối với số tiền mà ông Cư, bà Thu nộp 3 lần tiền, tổng cộng là 5,25 tỉ đồng, bị cáo cho rằng số tiền đó đã niêm phong vào 4 bao gửi trong kho tang vật của Phạm Văn Út, sau đó chuyển đến kho của Võ Văn Sơn. Đến ngày 15.10.2007, bị cáo đem đến gửi vào tài khoản ở Kho bạc Nhà nước tỉnh Tiền Giang.
Đến năm 2009, ông Cư bà Thu lấy lại số tiền trên. Số tiền mà bị cáo gửi tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang là tiền của bà Đoàn Ngọc Châu nhờ mua nhà ở TPHCM nhưng không mua được nên bị cáo gửi vào ngân hàng khi nào bà Châu đòi sẽ trả lại. Lời khai này của bị cáo là không có cơ sở. Bởi lẽ ông Cư, chị Kiều đều khai, ngày 20.11.2003, khi đem tiền đến nộp cho bị cáo Dũng 1 tỉ đồng thì có cán bộ ngân hàng đến lấy tiền. Lời khai này hoàn toàn phù hợp với lời khai của anh Dung, anh Hiền (2 nhân viên ngân hàng) khẳng định có nhận tiền gửi tiết kiệm của bị cáo Dũng. Khi kiểm đếm tiền có thu 1 tờ tiền giả, có lập biên bản và 2 anh Dung và Hiền cũng khẳng định, ngoài việc nhận kiểm đếm 1 tỉ đồng của anh Dũng (tức điều tra viên Dũng) gửi tiết kiệm thì 2 anh không kiểm đếm giúp khoản tiền nào khác của bị cáo Dũng.
Bị hại nói gì?
Các bị hại cho rằng, số tiền bị thiệt hại do Dũng và Nên gây ra là khoảng 30 tỉ đồng. HĐXX nhận định, kết luận điều tra khẳng định có thiệt hại nhưng bao nhiêu thì chưa đưa ra được. Cáo trạng cũng khẳng định có gây thiệt hại cho Cty Hưng Thịnh. Phiên tòa sơ thẩm đã xét xử hành vi của bị cáo là nguy hiểm và cũng xác định có gây thiệt hại cho Cty Hưng Thịnh nhưng trong quá trình điều tra không cung cấp hồ sơ, chứng cứ nên xem xét bằng một bản án khác.
Vị đại diện VKS cho rằng, theo đơn kháng cáo của bị cáo Dũng và bị hại Bùi Mạnh Lân, hành vi phạm tội của bị cáo Dũng là điều tra viên được phân công đều tra vụ án hình sự nhưng đã vượt quá quyền hạn được giao, thay tòa giải quyết vụ việc dân sự, lấy tiền gửi ngân hàng để trục lợi. Tòa sơ thẩm xử bị cáo mức án trên là không oan. Bị hại Lân bị bắt giữ trái pháp luật, án sơ thẩm không xem xét. Tuy nhiên, trong vụ án này, ông Lân kháng cáo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm là có căn cứ bởi vì Cty Hưng Thịnh trong vụ án này được xem là bị hại. Cấp sơ thẩm không đưa Cty Hưng Thịnh vào xét xử là thiếu sót. VKS đề nghị hủy án sơ thẩm.
Đối với trách nhiệm của những người có liên quan khác, ông Lân yêu cầu xem xét việc phê duyệt kế hoạch, chỉ đạo điều tra viên trực tiếp thực hiện các hành vi trong việc “bắt giữ người trái pháp luật” và hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam giữ người trái pháp luật”. Bị hại đã kiến nghị TAND tối cao tại TPHCM xác định tư cách người bị hại trong vụ án Nguyễn Tuyến Dũng có hành vi “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” và không đưa Cty Hưng Thịnh vào tham gia tố tụng trong vụ án là chưa đúng về thủ tục tố tụng. Ông Lân cũng cho rằng, việc ông Nguyễn Văn Cư và bà Huỳnh Thị Thu tố cáo sai sự thật là có dấu hiệu của hành vi “vu khống” cũng cần được xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
HĐXX chấp nhận đề nghị của VKSND tối cao, chấp nhận kháng cáo của bị cáo Dũng, chấp nhận kháng cáo của bị hại, hủy bản án sơ thẩm, trả về điều tra lại từ đầu. Bị cáo Nguyễn Tuyến Dũng được cho tại ngoại.
Luật sư Trần Hải Đức - bào chữa cho bị cáo Dũng - cho rằng, bản án sơ thẩm xét xử ông Dũng 10 năm tù, ông Dũng kháng cáo kêu oan và ông Lân đồng thời cũng có đơn kháng cáo. Về hành vi, chứng minh về thiệt hại đây là điều kiện cần và đủ, vì đây là hành vi cấu thành tội phạm nếu không được đưa vào vụ án thì không khách quan. Ông Cư và bà Thu cũng cho rằng, không có thiệt hại như bản án sơ thẩm. Trong vụ án này, mấu chốt ở hai vấn đề, Cty Hưng Thịnh bị thiệt hại và ông Cư bà Thu bị thiệt hại. Nhưng ông Cư bà Thu đã khẳng định không có thiệt hại gì, do vậy trả vụ án về điều tra lại và xác định mức độ thiệt hại liên quan đến Cty Hưng Thịnh. Đại diện của bị hại cũng yêu cầu hủy bản án, đưa về điều tra lại từ đầu.