TIN TUC GO CONG

,

,

Tìm kiếm

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Tăng sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch - Gò Công

By on 16:41
Do các tỉnh trong vùng ĐBSCL có điều kiện khai thác du lịch hầu như tương đồng với nhau nên những sản phẩm du lịch sẽ dễ bị trùng lặp. Để khắc phục tình trạng này, Tiền Giang chỉ tập trung đầu tư phát triển một loại hình sản phẩm tại một vài điểm có tài nguyên nổi bật nhất và các điều kiện có lợi nhất để phát triển du lịch.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang thì tỉnh Tiền Giang có 3 vùng sinh thái có giá trị khai thác sản phẩm du lịch: Hệ sinh thái ngập nước: huyện Tân Phước với sản phẩm chính là du lịch sinh thái rừng tràm ngập nước vùng Đồng Tháp Mười tại khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười; Hệ sinh thái ngập mặn: khu vực biển Gò Công ( biển Tân Thành-Hàng Dương, Cồn Ngang, Cồn Vượt...), với sản phẩm chính là du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, thưởng thức sản phẩm biển; Hệ sinh thái nước ngọt: các huyện nằm dọc sông Tiền: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Mỹ Tho, Chợ Gạo, Gò Công Tây và huyện Tân Phú Đông với sản phẩm chính là du lịch sông nước, vườn cây ăn trái đặc sản của vùng ĐBSCL.
Như vậy sản phẩm du lịch sinh thái Tiền Giang chủ yếu là tham quan cảnh quan sông nước, miệt vườn và nghỉ dưỡng. Đây chính là sản phẩm đặc trưng của du lịch Tiền Giang và cũng là sản phẩm của các tỉnh vùng ĐBSCL. Hiện nay khách du lịch đến Tiền Giang chủ yếu tham quan vườn cây trái, đi thuyền tham quan chợ nổi và đến các điểm du lịch do các hộ nhà vườn tự đầu tư, cùng các hoạt động chủ yếu như thưởng thức các loại trái cây đặc sản, ẩm thực, ca nhạc tài tử, tham quan các cở sở làm bánh tráng, bánh phồng, cốm, làm kẹo. Chính những hoạt động hoàn toàn tương tự giữa các tỉnh trong vùng nên sản phẩm du lịch Tiền Giang dễ bị xem là đơn điệu, trùng lắp và dễ nhàm chán.
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, để khắc phục tình trạng này cần thiết kế sản phẩm phù hợp từng nhóm đối tượng, từng phân đoạn thị trường riêng biệt. Đối với các đoàn khách lớn, có thu nhập cao thì cần có những có sản phẩm chất lượng cao, được tổ chức chuyên nghiệp, có điều kiện đón tiếp chu đáo. Sản phẩm dành cho các đoàn khách này có thể được cung cấp tại các khu vực: Cù lao Thới Sơn, biển Tân Thành, chợ nổi Cái Bè. Còn các đoàn khách nhỏ hoặc các nhóm khách lẻ cần hướng tới các khu vực khác ít mang tính thương mại, tự nhiên hơn, gần gũi với đời sống thực của người dân như Cù lao Ngũ Hiệp, Cù lao Tân Phong và một số điểm du lịch nhà vườn ở cái Bè, Thới Sơn...
Đặc biệt, dự án Khu du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng với quy mô 13,6 ha của Công ty CP Du lịch Tiền Giang ở Cù lao Thới Sơn, Khu du lịch biển Tân Thành của Công ty TNHH MTV Vạn Bình An có quy mô 11,7 ha đang được đầu tư xây dựng sẽ trở thành các điểm đến cung cấp sản phẩm đa dạng, có chất lượng cao. “Dự kiến đây sẽ là nơi cung cấp các sản phẩm du lịch sinh thái đa dạng, phong phú cho thị trường khách cao cấp đến Tiền Giang” – ông Minh khẳng định.
Cũng theo ông Minh thì Tiền Giang cần tích cực phát triển các loại hình du lịch khác như du lịch tìm hiểu văn hóa truyền thống với các sản phẩm chính là tham quan, nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, đời sống người dân trên các cù lao, tham quan nhà cổ với các vật dụng quý giá, tìm hiểu đời sống, truyền thống văn hóa, sản xuất của người dân địa phương. Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam cũng có thể trở thành một điểm tham quan không thể thiếu trong các tour du lịch của Tiền Giang.
Tỉnh Tiền Giang có nhiều di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia gắn liền với quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Các di tích lịch sử thời kỳ cận hiện đại như di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, lăng Trương Định, lăng Thủ Khoa Huân, Lăng Hoàng Gia và các di tích văn hóa như chùa Vĩnh Tràng, di chỉ khảo cổ Óc Eo-Gò Thành;…các di tích trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ bao gồm các di tích nổi tiếng như: Ấp Bắc (Cai Lậy), Nam Kỳ Khởi Nghĩa với đền thờ bà Nguyễn Thị Thập (Châu Thành), di tích chiến thắng Ba Rài (Cai Lậy) và Cổ Cò (Cái Bè). Ngoài ra còn có 94 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh có thể chọn lọc đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Tiền Giang hiện có nhiều lễ hội tín ngưỡng thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, để biến những lễ hội này thành lễ hội truyền thống, có thể thu hút được khách du lịch, nhất là khách quốc tế thì cần được nghiên cứu tổ chức theo hướng phục vụ du lịch, và cần đầu tư, mở rộng phát triển thêm các dịch vụ với các nội dung phong phú; có phương thức quảng bá, xúc tiến phù hợp với loại hình du lịch này.
Đối với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, cần phải thiết kế các khu nhà nghỉ dưỡng trong đó nhấn mạnh đến chủ đề hoà hợp giữa không gian và con người. Nhà nghỉ cần được bố trí cạnh nơi sông nước, vườn cây ăn trái để tăng sự tiếp cận với không gian mát mẻ, mở rộng tầm nhìn cho du khách. Loại hình này nên được phát triển ở những nơi có điều kiện thuận lợi như các khu du lịch: Cù lao Thới Sơn, biển Tân Thành, Cồn Ngang, khu vực ven sông Vàm Cỏ (thị xã Gò Công) và khu vực ven sông Tiền (huyện Cai Lậy, Cái Bè). Bên cạnh đó du lịch thương mại, công vụ (MICE), loại hình du lịch sự kiện, hội nghị phục vụ nhu cầu kinh doanh, công vụ phù hợp cho TP.Mỹ Tho và Cù lao Thới Sơn.
Nếu khai thác một cách đúng hướng những thế mạnh riêng của địa phương, du lịch Tiền Giang sẽ nâng cao được sức cạnh tranh, sức hấp dẫn của các sản phẩm.
Hà Linh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét