(ĐTCK) Sáng 29/8, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) đã tổ chức lễ thông xe cầu Mỹ Lợi nằm trên địa bàn tỉnh Long An và Tiền Giang. Dự án do CTCP Đầu tư cầu Mỹ Lợi (Liên danh giữa PDR và CTCP Bê tông 620 Long An) thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 1.439 tỷ đồng.
Dự án có thời gian thi công 18 tháng, thời gian thu phí 27 năm 11 tháng. Như vậy, ngoài nguồn thu từ bất động sản, sắp tới, PDR còn có thêm nguồn thu từ Dự án BOT cầu Mỹ Lợi.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT PDR cho biết: “Ngoài các dự án phát triển bất động sản, PDR còn mong muốn tham gia vào các dự án có ý nghĩa đóng góp cho phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ tốt hơn cho dân sinh. Trước cầu Mỹ Lợi, PDR cũng đã góp 100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cầu Phú Thuận tại quận 7, TP. HCM, góp phần tạo nên sự thuận lợi mới cho quá trình phát triển của Thành phố và các địa phương lân cận. Vì vậy, chúng tôi cũng đang quan tâm và mong đợi những cơ hội được tham gia vào các công trình mới sau cầu Mỹ Lợi”.
Từ sự thành công của việc triển khai xây dựng Dự án cầu Mỹ Lợi, liên danh của PDR và đối tác đã được Bộ Giao thông-Vận tải tiếp tục cho phép đề xuất Dự án đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc trên tuyến N1- tỉnh An Giang.
Tại phía Nam, các dự án BOT về giao thông đang được xem là “con gà đẻ trứng vàng” đối với chủ đầu tư. Đơn cử, cao tốc TP. HCM - Trung Lương mỗi năm đem về cho IDICO - IDI doanh thu từ thu phí gần 190 tỷ đồng. Dự án cầu Mỹ Lợi cũng hứa hẹn nguồn thu không nhỏ khi được xây dựng tại vị trí giao thông trọng yếu trên Quốc lộ 50 thay thế cho bến phà vượt qua sông Vàm Cỏ, có chiều dài khoảng 2,74 km. Từ trước đến nay, việc dùng phà đã gây chậm trễ và hạn chế năng lực thông xe trên toàn tuyến. Thêm vào đó, đường dẫn xuống phà hẹp thường xảy ra hiện tượng ùn tắc. Nhận thấy vấn đề bức thiết, dự án xây dựng cầu Mỹ Lợi được Bộ Giao thông- Vận tải phê duyệt đầu tư từ đầu năm 2009 bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, nhưng trong quá trình triển khai, dự án phải tạm dừng, giãn tiến độ. Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, Chính phủ đã cho phép huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng.
Nhận dự án trong thời điểm nền kinh tế vẫn còn khó khăn, đặc biệt là các dự án trên lĩnh vực giao thông ít được lựa chọn, bởi nguồn vốn đầu tư lớn, lãi suất ngân hàng đang ở mức cao. Tuy nhiên, PDR cùng đối tác đã đẩy nỗ lực thực hiện và hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Đối với thị xã Gò Công, dự án này thay thế phà Cầu Nổi, giúp giao thông từ Gò Công đi TP. HCM và các tỉnh miền Đông thuận lợi hơn. Kỳ vọng biến Gò Công từ vùng đất chuyên sản xuất nông nghiệp và nuôi thuỷ sản thành một khu vực phát triển công nghiệp, dịch vụ năng động, một đô thị đầy triển vọng của vùng duyên hải miền Tây.
Được biết, khi cầu Mỹ Lợi khởi công, nhiều nhà đầu tư đã thực hiện bài toán “đón đầu”. Hiện có gần 6.000 héc-ta đất ở các địa phương ven biển quanh năm nghèo khó như Tân Thành, Vàm Láng, Gia Thuận, Bình Đông, Bình Xuân… được đăng ký thuê để xây nhà máy đóng tàu, bến cảng, kho bãi dịch vụ, khu đô thị mới, khu công nghiệp hoá dầu, cụm công nghiệp và dịch vụ du lịch biển. Đơn cử, Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC) đã tiếp nhận 280 héc-ta đất để xây nhà máy đóng tàu biển và đang san lấp hơn 100 héc-ta. Các nhà đầu tư còn lại cũng đang nhanh chóng xúc tiến các thủ tục cần thiết để triển khai dự án của mình.
Phát biểu tại lễ thông xe cầu Mỹ Lợi, ông Đỗ Hữu Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đánh giá, Dự án tạo sự liên hoàn thông suốt về giao thông trên Quốc lộ 50, tạo thuận lợi trong việc giao lưu, buôn bán hàng hoá trong vùng, giảm giá thành sản phẩm, do giảm được chi phí vận chuyển, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của khu vực Tây Nam bộ.
Ông Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định: "Cầu Mỹ Lợi đã phá thế độc đạo của Quốc lộ 1, giúp tỉnh Long An và Tiền Giang có cơ hội để phát triển tốt hơn. Đây là công trình tạo tính đột phá để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Dọc hệ thống sông có thể hình thành các cụm công nghiệp, hệ thống cảng".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét