TIN TUC GO CONG

,

,

Tìm kiếm

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Ngăn chặn tình trạng sạt lở ven biển Gò Công

By on 08:36
Căn chòi của hộ anh Nguyễn Văn Nghề được dựng tạm bên đống đổ nát của căn nhà kiên cố đã bị sóng biển tàn phá.
Căn chòi của hộ anh Nguyễn Văn Nghề được dựng tạm bên đống đổ nát của căn nhà kiên cố đã bị sóng biển tàn phá.
Tình trạng sạt lở ven biển Gò Công (tỉnh Tiền Giang) hiện nay rất nghiêm trọng. Cứ đến mùa mưa bão, người dân lại nơm nớp lo nhà cửa, tài sản bị xâm thực biển cuốn phăng đi bất cứ lúc nào. Vì vậy, cấp thiết cần giải pháp phù hợp, hiệu quả và bền vững để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân vùng biển Gò Công.
Đợt xâm thực biển cuối năm 2014, đầu năm 2015 được đánh giá là đợt xâm thực gây xói lở lớn nhất từ trước đến nay. Tại thời điểm này, gió mùa đông bắc (gió chướng) mạnh kết hợp với triều cường cao đã gây sạt lở đất bờ biển thuộc hai ấp Tân Phú, Cầu Muống của xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, với chiều dài gần 3.000 m, xâm thực sâu vào đất liền từ 20 đến 30 m. Sóng biển đã tàn phá ao, đầm nuôi thủy sản, nhà cửa, khiến gần 50 hộ dân sống ổn định từ trước đến nay buộc phải di dời.
Trong căn chòi tạm bên đống đổ nát của ngôi nhà khá kiên cố bị sóng biển đánh sập hồi đầu năm 2015, anh Nguyễn Văn Nghề ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, tâm sự: Gia đình tôi gồm năm khẩu, sống chủ yếu bằng nghề cào, thu hoạch nghêu mướn. Bao năm dành dụm được gần 100 triệu đồng xây căn nhà kiên cố, mong là có thể chống chọi với sóng biển, không ngờ trong phút chốc bị xâm thực biển đánh sập, đành phải cất căn chòi để tiếp tục mưu sinh, vì không có nơi khác để di dời. Theo anh Nghề, đây không phải là lần đầu sóng biển tấn công dữ dội, tàn phá đất liền, cho nên người dân nơi đây rất cảnh giác bằng cách đóng cừ, bao cát che chắn tránh sóng, nhưng cũng không tránh khỏi. Biển càng ngày càng rộng ra, còn đất liền liên tục hẹp lại.
Tại khu vực sạt lở ở ấp Tân Phú, anh Trần Văn Trọn bức xúc: Dân ở đây đa phần đều nghèo nên đành cố bám trụ trước sóng to, gió lớn rình rập. Chỉ tay về phía biển, anh nói tiếp: Trước đây, khu vực này có con đường hiện hữu dài hơn ba km đã bị sóng biển dìm mất rồi. Nhà chúng tôi cũng vừa bị sóng biển phá, nhưng vì kinh tế khó khăn, không có nơi để di dời. Chỉ mong Nhà nước quan tâm, sớm tạo điều kiện cho chúng tôi ổn định cuộc sống nơi khác. Vì, đã đến mùa gió chướng (từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau), cũng là “mùa xâm thực”, hậu quả xảy ra thật khó lường. Chị Lê Thị Thắm (ấp Tân Phú) cho biết thêm, sự xâm thực của biển những năm gần đây rất mạnh, không thể tưởng tượng. Từ vị trí xảy ra sạt lở này, đến chỗ Đài quan sát biển của Bộ đội Biên phòng, khoảng 150 m, không ai dám bảo đảm đến “mùa xâm thực” năm nay sẽ còn đứng vững.
Sự sạt lở do xâm thực biển lấn sâu vào đất liền vừa qua là lời cảnh báo đối với sự an toàn của người dân nơi đây. Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Huỳnh Thị Tỏ thừa nhận: Sạt lở ven biển là một thực tế đáng lo ngại hiện nay. Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn là sạt lở đê biển Gò Công nhưng chưa có giải pháp cứu vãn. Trước sự lo lắng, bức xúc của người dân hai ấp Tân Phú và Cầu Muống, huyện và xã đã chọn khu tái định cư cho dân di dời, nhưng hiện đang đợi tỉnh lập dự án, có kinh phí mới triển khai được.
Cùng đi khảo sát thực tế với Chủ tịch UBND xã Tân Thành Đoàn Thanh Hưng trên đê biển Gò Công có chiều dài hơn 21 km, trong đó, đoạn đê trực diện với biển có chiều dài hơn 12 km, thuộc các xã Kiểng Phước, Tân Điền, Tân Thành, và thị trấn Vàm Láng - là tuyến đê quan trọng bảo vệ hơn 55 nghìn ha đất sản xuất và tài sản, tính mạng của hơn 300 nghìn hộ dân khu vực ngọt hóa Gò Công, mới thấy rõ tác hại của xâm thực biển. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, trong vòng mười năm qua, rừng phòng hộ ven biển Gò Công bị xâm thực ngày càng nghiêm trọng, có những vị trí mất rừng từ tám đến 10 m/năm, song chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Thậm chí, tại các đoạn xung yếu, rừng gần như mất trắng, hoặc chỉ còn rất mỏng, từ 50 đến 60 m, chỉ vài “mùa xâm thực” nữa sẽ không còn, nguy cơ vỡ đê rất cao, nhất là trong mùa mưa bão. Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thiện Pháp cho biết: Biến đổi phức tạp của khí hậu, nước biển dâng đã nâng công suất tàn phá của xâm thực biển khốc liệt hơn, rừng phòng hộ cứ mất và mỏng dần, đê biển liên tiếp bị xói lở, đe dọa. Nhiều năm nay, UBND tỉnh đã đầu tư mỗi năm hàng chục tỷ đồng để lát mái đê biển với cao trình đê phù hợp nhằm giảm tác động trực tiếp của sóng biển; tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Giải pháp căn cơ, hiệu quả nhất vẫn là khôi phục đai rừng phòng hộ - tấm lá chắn kiên cường để bảo vệ đê. “Vấn đề này, thú thật, năm nào tỉnh cũng có kế hoạch trồng mới, nhưng tỷ lệ rừng trồng sinh trưởng, phát triển không cao, cộng với tình trạng phá rừng nuôi trồng thủy sản, nạn trộm rừng vẫn diễn ra nên rừng cứ vậy nhưng thưa và mỏng dần” - Chi cục trưởng Nguyễn Thiện Pháp nói.
Để ngăn chặn hiệu quả sự xâm thực gây xói lở nghiêm trọng ven biển, đê biển, bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của người dân khu vực ngọt hóa Gò Công, tỉnh Tiền Giang đã thống nhất chọn giải pháp khoa học, tạo điều kiện khôi phục, phát triển rừng phòng hộ ven biển. Đó là tiến hành kè mềm, có tác dụng chắn sóng, gây bồi, không cho lở, tạo điều kiện thích hợp để phát triển bền vững rừng phòng hộ. Theo các nhà khoa học, đây là giải pháp thích hợp nhất để khôi phục rừng ngập mặn, cũng như sự bảo vệ an toàn bền vững cho tuyến đê biển ở Tiền Giang. Trước mắt, tỉnh lập dự án và triển khai thi công kè mềm dài 18,4 km, với tổng kinh phí hơn 600 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư 17 km kè mềm, cách bờ biển 300 m, bằng vốn vay từ Chính phủ Pháp 549 tỷ đồng; 1,4 km kè mềm, cách bờ biển 150 m bằng nguồn vốn Trung ương 56 tỷ đồng và sẽ hoàn thiện kè mềm toàn tuyến bảo vệ đê vào những năm tiếp theo. Sau đó, sẽ triển khai trồng và phát triển rừng phòng hộ phủ kín. Thế nhưng, vấn đề quan trọng hơn là địa phương cần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng như bảo vệ sự sống của chính mình và cộng đồng.
BÀI VÀ ẢNH: TẤN VŨ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét