TIN TUC GO CONG

,

,

Tìm kiếm

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Thông cầu ngàn tỷ đột phá tiềm năng

By on 08:35
Sáng 29.8, cầu Mỹ Lợi nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Long An chính thức thông xe, mở ra tiềm năng phát triển rất lớn cho cả một khu vực.
 
Việc đưa vào vận hành cầu Mỹ Lợi đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Tiền Giang, Long An tới TP.HCM - Ảnh: Đình Sơn
Việc đưa vào vận hành cầu Mỹ Lợi đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Tiền Giang, Long An tới TP.HCM - Ảnh: Đình Sơn
Cầu Mỹ Lợi rộng 12 m (2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ), dài hơn 2,6 km (phần cầu hơn 1,4 km) trên tuyến QL50, bắc qua sông Vàm Cỏ nối H.Cần Đước (Long An) với TX.Gò Công (Tiền Giang). QL50 là tuyến đường trọng yếu trong mạng lưới giao thông đường bộ huyết mạch nối TP.HCM với vùng duyên hải phía đông của tỉnh Long An, Tiền Giang và các tỉnh khu vực ĐBSCL, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng của vùng. Quốc lộ đã và đang được nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực, góp phần chia sẻ lưu lượng xe với QL1. Tuy nhiên, tại đoạn vượt sông Vàm Cỏ giữa Cần Đước và TX.Gò Công từ trước đến nay phải dùng phà. Đây là trở ngại lớn, gây chậm trễ và hạn chế năng lực lưu thông, phát triển.
Cầu Mỹ Lợi đi vào hoạt động, từ TX.Gò Công đến TP.HCM và ngược lại sẽ rút ngắn thời gian khoảng 30 phút so với phải đi qua phà (chưa kể thời gian chờ phà). Có cầu, việc lưu thông bằng đường bộ theo QL50 từ TX.Gò Công và các huyện phía đông của tỉnh Tiền Giang như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông đến Long An và TP.HCM thuận lợi hơn, nhất là đối với xe khách và xe tải, vì không phải đi vòng lên TP.Mỹ Tho, theo QL1 hoặc đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương như trước đây xa hơn khoảng 50 km.
Ông Nguyễn Văn Phú, chủ một số xe tải thuộc Công ty vận tải Minh Đăng Khoa (TP.HCM), hồ hởi: “Xe lưu thông từ TP.HCM đi Gò Công, Tiền Giang qua cầu này sẽ tiết kiệm được hơn 10% chi phí nhiên liệu. Ngoài ra, nếu tính về thời gian, ngày công thì lợi nhuận có thể tăng gấp đôi trong trường hợp hàng hóa nhiều. Chẳng hạn, một chuyến vận tải hàng hóa từ TP.HCM đi Gò Công hiện nay thu được 1 triệu đồng, khi rút ngắn được thời gian chạy xe xuống còn một nửa thì chủ xe sẽ vận chuyển được 2 chuyến thay vì 1 chuyến như trước đây, lợi nhuận sẽ từ 1 triệu đồng lên 2 triệu đồng. Một ngày nếu chạy liên tục thì lợi nhuận sẽ rất khá”.
 
Người dân háo hức chờ thông xe cầu Mỹ LợiNgười dân háo hức chờ thông xe cầu Mỹ Lợi
Tận dụng quỹ đất
Tại lễ thông xe, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh cầu Mỹ Lợi là công trình rất quan trọng đối với ĐBSCL, tạo thêm một trục đường thông suốt không còn bị ngăn cách bởi phà, để phá thế độc đạo của QL1. Đặc biệt, công trình sẽ tạo điều kiện để các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nói chung, hai tỉnh Long An và Tiền Giang nói riêng có cơ hội phát triển tốt hơn.
Ông Thể cũng đề nghị lãnh đạo hai tỉnh Long An và Tiền Giang khẩn trương nghiên cứu đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế 2 bên bờ sông Vàm Cỏ, như các khu dịch vụ liên quan, khu công nghiệp, cảng… nhằm khai thác lợi thế cầu Mỹ Lợi.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngay khi cầu được khởi công, nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước đã hướng về khu vực này để thuê đất làm nhà xưởng, bến cảng. Cụ thể đã có gần 6.000 ha đất ở các địa phương như Tân Thành, Vàm Láng, Gia Thuận, Bình Đông, Bình Xuân (H.Gò Công Đông và TX.Gò Công)… được đăng ký thuê để xây nhà máy đóng tàu, bến cảng, kho bãi dịch vụ, khu đô thị mới, khu công nghiệp hóa dầu, cụm công nghiệp và dịch vụ du lịch biển. Hiện Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Vinashin đã tiếp nhận 280 ha đất để xây nhà máy đóng tàu biển và đang san lấp hơn 100 ha. Các nhà đầu tư còn lại cũng đang nhanh chóng xúc tiến các thủ tục cần thiết để triển khai dự án.
Dự án cầu Mỹ Lợi do Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt và Công ty 620 làm chủ đầu tư, tổng đầu tư gần 1.500 tỉ đồng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Dự kiến chủ đầu tư sẽ bắt đầu thu phí giao thông qua cầu từ tháng 11.2015, thời gian thu phí, hoàn vốn khoảng 28 năm 4 tháng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét